Trên đồi Golgotha cách đây hơn hai ngàn năm, có 3 tử tội trên thập giá. Ba con người đều chết trên thập giá với ba thái độ khác nhau. Đó chính là Thầy Giê-su ở giữa. Một người bên hữu được gọi là trộm lành. Một người bên tả truyền thống vẫn gọi là trộm dữ. Tại sao cùng một hoàn cảnh mà cách thức đón nhận lại khác nhau? Đâu là điểm khác biệt giữa ba con người?
Trước
hết đó là Thầy Giê-su, một con người đã tự nguyện vác thập giá để cứu
độ chúng sinh. Ngài chấp nhận đi vào cái chết không phải do tội của mình
mà vì tội của nhân gian. Ngài đã chết để thí mạng vì bạn hữu. Cả cuộc
đời của Ngài đã sống vì người khác. Ngài đã sống một cuộc đời để yêu
thương và yêu thương cho đến cùng. Ngài đã đi đến tận cùng của yêu
thương là thí mạng mình vì bạn hữu. Cái chết của Ngài là bằng chứng cho
tình yêu. Đau khổ Ngài chịu cũng vì yêu thương nên Ngài không than vãn,
không uất hận vì đời đen bạc. Không nguyền rủa cuộc đời vì những gánh
nặng đang đè trên vai. Vì yêu đối với ngài không chỉ là tam tứ núi cũng
trèo, thất bát sông cũng lội, mà còn dám chết cho người mình yêu được
sống và sống dồi dào. Thế nên, đau khổ đối với Ngài là niềm vui. Và ngài
đã đi vào cái chết trong thanh thản vì đã hoàn thành sứ mạng đời mình:
“yêu thương và phục vụ” cho người mình yêu. Ngài không hối tiếc về cuộc
sống đã qua. Ngài không hối hận vì việc mình đã làm. Ngài rất vui vì đã
đi trọn con đường của tình yêu. Ngài đã trút hơi thở cuối cùng trong an
bình khi Ngài nói cùng nhân loại “mọi sự đã hoàn tất” và nói cùng Chúa
Cha “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn trong tay Cha”.
Người thứ hai là anh trộm lành. Anh là
một tội nhân. Anh đón nhận hình phạt và cái chết vì chính tội của mình.
Nhưng anh là một con người biết phải trái. Anh biết việc mình làm là
đáng tội, là đáng phải chịu hình phạt. Cuộc đời anh chưa làm điều gì tốt
cho tha nhân. Anh đã sống một cuộc đời chỉ làm hại người khác. Thế nên,
anh đã nói với Chúa: “Tôi đã bị như thế này là xứng đáng với tội của
tôi”. Anh đón nhận thập giá để đền bù những lầm lỗi đã qua. Anh chấp
nhận cái chết nhục nhã như là hình phạt đích đáng vì tội của mình. Anh
đã tìm được bình an trong giờ phút cuối cùng của đời người. Anh cũng
biết rằng anh không xứng đáng chung phần hạnh phúc thiên đàng với Thầy
Giê-su, anh chỉ mơ ước Thầy Giê-su nhớ tới anh khi Thầy về thiên đàng.
Đối với anh thập giá là cơ hội để anh để anh đền bù lầm lỗi. Thập giá là
nhịp cầu đưa anh vào thiên đàng. Thế nên, anh đón nhận thập giá với lời
xin vâng theo mệnh trời. Anh không oán trời, oán đất. Anh đi vào cái
chết với tâm hồn thanh thản vì anh đã đền bù những lầm lỗi của quá khứ
cuộc đời.
Người thứ ba là anh trộm dữ. Anh lao vào
cuộc đời như con thú đang tìm mồi. Cuộc đời anh chỉ tìm hưởng thụ cho
bản thân. Vì ham muốn danh lợi thú anh đã sẵn sàng hạ thấp nhân phẩm
mình và chà đạp phẩm giá của tha nhân. Anh đang có nhiều toan tính để
hưởng thụ. Thế nên, anh không chấp nhận thập giá đến với anh. Anh không
chấp nhận kết thúc cuộc đời bằng cái chết bi thảm trên thập giá. Anh đòi
quyền sống. Sống để hưởng thụ. Anh nổi loạn vì đời anh còn quá trẻ, còn
quá nhiều tham vọng nên anh không thể chấp nhận cái chết đến với mình.
Thế nhưng, anh vẫn phải chịu hình phạt vì tội của mình. Công lý đòi buộc
anh phải thi hành, dầu anh không muốn. Thập giá làm cho anh đau khổ.
Cái chết làm cho anh nổi loạn. Anh nguyền rủa trời, nguyền rủa đất và
xúc phạm cả đến Thầy Giê-su, một con người đang phải chịu cái chết vì đã
liên đới với anh. Anh đã chết trong sự hoảng loạn và khổ đau.
Mỗi người chúng ta đang sống một cuộc
đời cho chính mình. Mỗi người chúng ta đang đón nhận thập giá với thái
độ khác nhau. Có người chấp nhận thập giá để đền tội. Có người chấp nhận
thập giá vì lòng yêu mến tha nhân. Và cũng có người đang từ chối thập
gía trong cuộc đời. Hạnh phúc hay đau khổ tuỳ thuộc vào việc chọn lựa
sống của chúng ta. Nhưng dù con người có muốn hay không? Thập giá vẫn
hiện diện. Thập giá của bổn phận. Thập giá của hy sinh từ bỏ những tham
lam bất chính, những ham muốn tội lỗi, những ích kỷ tầm thường. Đón nhận
thập giá sẽ mang lại cho ta tâm hồn bình an vì đã sống đúng với bổn
phận làm người. Đón nhận thập giá còn là cơ hội để ta đền bù những thiếu
sót trong cuộc sống của mình và của tha nhân. Đón nhận thập giá còn là
cơ hội để ta tiến tới vinh quang phục sinh với Chúa trên thiên đàng.
Nguyện xin Chúa là Đấng đã vui lòng đón
nhận thập giá vì chúng ta, nâng đỡ và giúp chúng ta vác thập giá hằng
ngày mà theo Chúa. Xin giúp chúng ta biết sống một cuộc đời hy sinh cao
thượng để chúng ta không hối hận vì quá khứ, nhưng luôn bình an vì đã
sống chu toàn bổn phận của mình với lòng mến Chúa, yêu người. Amen
Lm. Jos Tạ duy Tuyền
0 nhận xét:
Đăng nhận xét