5.8.14

Hoàn thiện

 
Vì chưa tốt, chưa lương thiện đủ nên chúng ta mới phải cố gắng hoàn thiện. Tuy vốn dĩ “nhân chi sơ tính bổn thiện” nhưng càng thêm tuổi thì chúng ta lại càng tệ hơn, càng tái phạm nhiều hơn, chứ không như Chúa Giêsu “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2:52). Chúng ta khốn nạn lắm!
Và vì thế, luật phát sinh để chấn chỉnh và trừng phạt những ai sai phạm, gọi là “luật vị nhân sinh”. Thiên Chúa ban cho nhân loại quyền tự do, và Ngài luôn tôn trọng quyền tự do của chúng ta. Thế nhưng chúng ta đã lạm dụng tự do và dám nổi loạn, có lẽ chúng ta hành động cũng chẳng khác gì kiểu “đánh bom tự sát” của những người quá khích với niềm tin lệch lạc của các nhóm quân phiến loạn!
Thập Giới (Mười Điều Răn) là những điều CẤM, mang tính tiêu cực: “Đừng…, chớ…!”. Còn Bát Phúc là những lời KHUYÊN, mang tính tích cực: “Phúc cho ai…!”. Vì thế, Tân Ước là giao ước mới, giao ước yêu thương, luật Chúa là Luật Yêu Thương nên đạo Công giáo cũng được mệnh danh là Đạo Yêu Thương. Yêu thương luôn có chiều hướng tích cực, vì yêu thương là CHO nhiều hơn là NHẬN.
Sau khi Chúa Giêsu đưa ra Tám Mối Phúc (Mt 5:3-12), cũng gọi là Bài Giảng Trên Núi, Ngài khuyến cao chúng ta nhiều điều: Phải trở nên muốiánh sáng (Mt 5:13-16), đừng giận ghét (Mt 5:21-26), chớ ngoại tình (Mt 5:27-30), đừng ly dị (Mt 5:31-32), đừng thề thốt (Mt 5:33-37), chớ trả thù (Mt 5:38-42), đặc biệt là “phải yêu kẻ thù” (Mt 5:44). Cuối cùng, Chúa Giêsu nói: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”(Mt 5:48). Đó là “nhân từ như Chúa Cha” (Lc 6:36). Có lẽ chúng ta không thể “tốt lành NHƯ Chúa Cha”, Chúa Giêsu biết lắm chứ, nhưng Ngài muốn chúng ta phải nỗ lực hết mình, dù chúng ta chưa LÀM được những gì chúng ta MUỐN nhưng ít ra phải biết MUỐN những gì chúng ta LÀM. Đó mới là vấn đề!
Vì là phàm nhân còn lắm tham-sân-si, mang vết tội từ trong lòng mẹ (Tv 51:7), thế nên chúng ta mới phải không ngừng nỗ lực hoàn thiện, tức là phải cố gắng nên thánh ngay trên thế gian này. Khó lắm. Vì KHÓ nên mới phải CỐ. Phàm việc gì phải CỐ thì luôn KHÓ. Rất lô-gích! Nhưng việc khó mà làm được thì mới đáng công. Thật vậy, có thể nói rằng “hạnh phúc lớn nhất là mình làm được điều mà người ta bảo mình không làm được”. Đó là vinh dự do mình tự tạo, là niềm hạnh phúc đích thực vì mình chứng tỏ được bản lĩnh của chính mình.
Yêu thương là điều ai cũng cần, ai cũng thích, nhưng yêu thương không thể bằng đầu môi chót lưỡi mà phải thể hiện bàng mọi động thái – chữ yêu (viết nhỏ) khác nhiều so với chữ YÊU (viết lớn). Chúa muốn chúng ta không chỉ yêu (cấp thấp) mà còn phải YÊU (cấp cao). Chúa Giêsu so sánh hai thái cực khác nhau: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thùcầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5:43-44). Luật Cựu Ước và Luật Tân Ước đều có hai phần, phần một “tương đồng” và phần hai “tương phản”. Luật Tân Ước tích cực hơn nhưng khó thực hiện hơn nhiều. Nhưng Chúa Giêsu xác định: “Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5:45).
Chúa Giêsu vừa lý giải vừa đặt vấn đề: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi thì anh em có làm gì LẠ THƯỜNG đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?” (Mt 5:46-47). Ngài thực sự muốn chúng ta hành động giống như Ngài, nghĩa là người đời sẽ cho các động thái đó là “không giống ai”, là “ngược đời”, là “dại dột”, là “ngu xuẩn”, là “điên rồ”. Vậy mới là cách LẠ THƯỜNG như Chúa Giêsu đề cập.
Thánh Phaolô nói: “Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1 Cr 1:24 -25). Và ông xác định: “Chúng tôi có điên thì cũng là vì Thiên Chúa; chúng tôi có khôn thì cũng là vì anh em” (2 Cr 5:13).
Phải “từ bỏ chính mình” (Mt 10:37-39; Lc 14:26-27), phải vác thập giá mình hằng ngày (Mt 10:38; Mt 16:24; Lc 14:27), phải qua cửa hẹp và đường chật (Mt 7:13; Mt 7:14; Lc 13:24), không làm tôi hai chủ (Mt 6:24; Lc 16:13), bán những gì mình có mà cho người nghèo (Mc 10:21), phải cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ (Mt 14:38; Lc 22:40; Lc 22: 46), phải ăn chay kín đáo (Mt 6:16-18), phải trung thực (Mt 5:37), đừng xét đoán (Mt 7:1-2; Lc 6:37),... Toàn là những chuyện khó thực hiện. Toàn là những “chuyện ngược đời”. Đúng là “căng” thật đấy! Nhưng phải thực hiện đến cùng thì mới hy vọng được vào Nước Trời, vì “người giàu có khó vào Nước Trời” (Mt 19:23).
Ngoài ra, chúng ta còn phải “coi chừng các ngôn sứ giả” (Mt 7:15-17; Lc 6:43-45), đừng chống cự người ác (Mt 5:39), đừng quá lo lắng về vật chất (Mt 6:25; Lc 12:22), phải can đảm bảo vệ sự thật và công lý, nghĩa là dám tự nhủ: “Đừng sợ!” (Đnl 31:6; Is 43:1; Mt 10:26; Mt 10:28; Mt 10:31; Mt 14:27; Mt 17:7; Mt 28:5; Mt 28:10; Mc 5:36; Mc 6:50; Ga 14:27; Lc 1:13; Lc 1:30; Lc 2:10; Lc 5:10; Lc 12:4; Lc 12:7; Lc 12:32; Lc 21:9; Ga 6:20; Kh 1:17-18), đừng làm điều gì lén lút (Ep 5:11-12),...
Hành trình hoàn thiện “gay go” và “mệt mỏi” lắm, vì rất khó chứ không hề dễ dàng. Sai một ly có thể “đi đoong” cả đời chứ chẳng đùa đâu! Khó làm chứ, nhưng KHÓ không có nghĩa là KHÔNG làm được. Nếu chúng ta thành tâm khát khao thì sẽ được Thiên Chúa độ trì, mà điều gì được Ngài “giúp một tay” thì Ô-kê ngay, chắc chắn đạt được.
Ai hoàn thiện mới được vào Nước Trời, không hoàn thiện thì chắc chắn đi “định cư đời đời với Lu-xi-phe” mà thôi. Chúa Giêsu còn xác định hai lý do để được vào Nước Trời: (1) “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18:3), và (2) “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5:20).
Kinh Thánh cũng nói về những loại người không được vào Nước Trời:
– Những kẻ dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, trụy lạc, kê gian, những kẻ trộm cướp, tham lam, say sưa rượu chè, quen chửi bới, sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp” (1 Cr 6:9-10).
– Không một kẻ gian dâm, ô uế hay tham lam nào – mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng – được thừa hưởng cơ nghiệp trong Nước của Đức Kitô và của Thiên Chúa (Ep 5:5-6).
– Anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái,21 ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy (Gl 5:13, 19-21).
– Xác thịt và khí huyết không thể thừa hưởng Nước Thiên Chúa được, cũng như cái hư nát không thể thừa hưởng sự bất diệt được (1 Cr 15:50).

– Những quân chó má, làm phù phép, gian dâm, sát nhân, thờ ngẫu tượng, cùng với mọi kẻ thích điều gian dối và ăn gian nói dối, hãy xéo ra ngoài (Kh 22:15).
Mối Phúc thứ năm nói: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5:7). Còn Thánh Phaolô nhắn nhủ: Đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái (Rm 13:8). Món nợ yêu thương là “nợ tình” và nợ lòng thương xót mà ai cũng mặc nhiên mắc nợ nhau, và món nợ này phải trả cho đến “đồng xu cuối cùng” (Mt 5:26) mới được “trắng án” để có thể ung dung bước vào Nước Trời.
Đọc kinh là điều tốt, nhưng đọc mà không suy và sống theo lời kinh thì vô ích, chẳng khác gì con vẹt thuộc lòng cách phát âm của câu nói. Thật vậy, Thánh Giacôbê xác định: “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2: 17 và 26). Đừng làm “chiên ngoan” khi ở trong nhà thờ rồi lại hóa “cọp dữ” khi ra ngoài nhà thờ!
Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài. Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án, liêm chính khi xét xử. Xin dùng cành hương thảo rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền; xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết (Tv 51:1-6, 9).
TRẦM THIÊN THU

0 nhận xét:

Đăng nhận xét