5.7.14

Nụ cười và nước mắt - Lm. Đình Trung, CSsR

Câu chuyện về một bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối, anh rất mệt và khó có thể qua khỏi, anh vừa ra khỏi tù sau nhiều năm bị giam cầm, người thân của anh không còn ai ngoài một người anh cùng đi tù với anh và 1 người chị lớn. Khi trở về xã hội, anh mệt nhiều và xuống sức rất nhanh, qua các xét nghiệm và chẩn đoàn của các bác sĩ chuyên ngành, người ta kết luận anh nhiễm HIV đã sang giai đoạn cuối.

Không biết anh bị nhiễm cách nào và nhiễm khi nào, ở nhà tù, nhất là tù chính trị bị cách ly hoàn toàn tại sao nhiễm ? Có thể khi bị cùm chân, anh đã bị cùm bởi cái cùm còn mang máu tươi của người tù trước đó, chiếc cùm quá chật khiến chân anh bị chầy sước, và đường nhiễm mở toang, virus nhanh chóng xâm nhập. Vị bác sĩ nhân hậu sau khi đọc xét nghiệm cuối cùng đã quay mặt đi mà khóc, ông nói nói với chúng tôi “hết rồi” !
Ông chuyên lo cho người bị nhiễm HIV, nhưng ông không ngăn được cảm xúc vì người bệnh này rất hiền lành, anh là nạn nhân của một thiết chế hành xử dã man, coi thường mạng sống con người và vui thích khi đày đọa người khác, một thiết chế quy tụ những con người không còn tính người, sử dụng những thành phần đấy để đe dọa trấn áp những người không cùng quan điểm.
Con người đối xử với nhau không bằng loài thú. Tôi không hiểu những người “thi hành công vụ” đánh người khác một cách tàn nhẫn cho đến chết ngay trước mắt mình, rồi lấy dây cột cổ treo lên báo là tự tử, nhưng người ấy có còn là người thật không ? lương tâm họ ở đâu ? hình ảnh nạn nhân gục chết trước mặt họ có làm lay động lòng họ tí nào không, ? Sao họ giết người xong họ lại có thể nở một nụ cười tươi khỏe sảng khoái kể cả khi ra trước tòa án ? Kể cả khi người vợ trẻ và những đứa con thơ của nạn nhân đeo tang trắng đứng trước mặt họ, họ vẫn cười ! Họ giết người mà giữa họ với người đó không hề thù oán, họ giết người khi mà chưa một tòa án nào, kể cả loại án bỏ túi có chỉ đạo, kết án là tội nhân.
Có người cho rằng chúng tôi nặng lời nhưng nếu nạn nhân là chính người thân của họ thì họ sẽ phản ứng ra sao ? Có còn ngồi đó rêu rao lý tưởng “đối thoại”, người ta chỉ đối thoại được với con người, là đối tượng còn lương tâm, biết suy nghĩ và có cảm xúc, không thể đối thoại với loài cầm thú, khát máu và hoang dã !
Hôm qua ngồi trong bàn cơm, nghe anh em nói chuyện về một vụ án ở Thủ Đức, nạn nhân là một người bình thường, không gây gỗ với ai, không to tiếng hoặc làm điều gì sai trái, anh chết chỉ vì trong khi nhậu anh đã nói chuyện mà hay nói đi nói lại hai chữ “đắng lòng”, người nhậu bàn bên cạnh khó chịu hai chữ này nên nhảy sang đâm chết tại chỗ.  Bối cảnh xã hội nào xây dựng nên cách hành xử như vậy ?
Trận bóng đá giữa Brazil và Colombia vừa kết thúc, Brazil thắng 2 – 1, Colombia chia tay về và Brazil đi tiếp vào vòng trong. Màn hình cho chúng ta xem nhiều hình ảnh rất xúc động, người chiến thắng vui mừng, kẻ bại trận buồn đau. Cầu thù số 10, James Rodriguez, mang băng đội trưởng Colombia khóc như một đứa trẻ thơ, nhưng David Luiz, cầu thủ mang số 4, trung vệ của Brazil, kẻ đã có đường bóng tuyệt đẹp nâng tỷ số lên 2 – 0 cho Brazil đến ôm Rodriguez an ủi, hai anh ôm lấy nhau khóc rất lâu, chung quanh bạn bè đến chia sẻ. Họ đã trao cho nhau những động tác rất là người vì họ là người thật.
Chúng ta không thể xây dựng xã hội loài người bao lâu trong cộng đồng ấy còn quá nhiều người nhưng mang tính cách loài thú. Tin Mừng của Chúa Giêsu không chỉ để rao giảng nhưng còn để chữa lành, sứ mạng của Giáo Hội là phải chữa lành một xã hội như vậy. Năm xưa Chúa đã bật khóc trước cái chết của Lazaro, hình ảnh của quyền lực sự dữ, tôi muốn hỏi mình và anh em, hôm nay lòng chúng ta có thấy thổn thức trước quyền lực của sự dữ không ? Hay nhiệm vụ của chúng ta chỉ là “cúng” và “tụng kinh”, “không tham gia chính trị”!

Lm. Đình Trung, CSsR

0 nhận xét:

Đăng nhận xét