1. LỜI CHÚA: Thiên
Chúa suy tôn người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đoàn
con. Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như
người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con
cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được
sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ (Hc 3,3-7).
2. CÂU
CHUYỆN:
Một chàng thanh niên
nộp đơn xin làm giám đốc quản trị của một công ty lớn. Viên Tổng giám đốc công
ty trực tiếp phỏng vấn thấy học bạ của anh ta từ nhỏ tới lớn năm nào cũng được xếp
vào lọai giỏi và xuất sắc liền hỏi “Từ nhỏ đến lớn anh đã nhận được bao nhiêu học
bổng ?” Anh ta đáp “Thưa ngài, tôi không nhận được bất cứ một học bổng nào”. Viên
Tổng giám đốc lại hỏi: “Thế thì cha anh phải trả học phí hằng năm cho anh ?”
Chàng thanh niên đáp “Cha tôi mất khi tôi mới được một tuổi. Mẹ tôi mới là
người đứng ra trả học phí cho tôi”. Khi được hỏi về nghề nghiệp của bà mẹ, anh
ta đáp “Mẹ tôi làm công việc giặt quần áo thuê cho khách hàng”. Viên giám đốc yêu
cầu anh ta giơ hai bàn tay của anh cho ông xem. Thấy hai bàn tay của anh trắng
trẻo mịn màng liền hỏi anh có bao giờ giúp mẹ giặt áo quần cho khách chưa và nghe
anh trả lời: “Chưa bao giờ. Mẹ tôi chỉ yêu cầu tôi phải chuyên cần học tập. Đàng
khác bà giặt ủi áo quần nhanh hơn tôi”. Sau đó, viên Tổng giám đốc yêu cầu anh về
nhà lau sạch đôi bàn tay của mẹ rồi hôm sau phải đến báo cáo việc làm này.
Khi về đến nhà, chàng
thanh niên đã yêu cầu mẹ cho anh được lau sạch đôi bàn tay của bà. Khi ấy bà mẹ
cảm thấy có điều chi khác thường. Bà vừa vui mừng vừa e dè đưa đôi tay cho con
trai rửa lau. Chàng thanh niên đã cẩn thận dùng nước sạch lau rửa đôi tay của
mẹ. Vừa lau, nước mắt chàng tự nhiên trào ra khi tận mắt thấy đôi bàn tay gầy
guộc nhăn nheo và nhiều vết bầm tín đau nhức của bà, đến nỗi nhiều lần bà rùng
mình khi tay anh chạm nhẹ đến. Lần đầu tiên trong đời, anh mới có dịp suy nghĩ
về công ơn của mẹ: Chính nhờ đôi tay này mà anh mới có tiền đóng học phí để học
thành tài như bây giờ. Những vết bầm trên hai bàn tay kia chính là cái giá mà mẹ
anh đã phải trả cho văn bằng tốt nghiệp, cho những điểm xuất sắc trong học bạ và
cho tương lai sau này của anh. Sau đó anh lặng lẽ giặt hết số áo quần còn lại. Tối
hôm ấy, hai mẹ con đã tâm sự rất lâu mới đi ngủ.
Hôm sau, khi viên Tổng giám
đốc thấy những giọt nước mắt chưa ráo hết trên đôi mắt thâm quầng của anh liền hỏi
“Anh hãy cho biết cảm tưởng khi rửa tay cho mẹ ?” Anh đáp: “Thứ nhất, bây giờ
tôi mới thấm thía về công ơn trời bể của mẹ tôi; vì nếu không có mẹ, chắc chắn tôi
sẽ không có được kết quả học tập như hiện nay. Thứ hai, qua việc giúp mẹ giặt
quần áo, tôi cảm nghiệm việc giặt quần áo mẹ tôi đã làm trong nhiều năm qua thật
không dễ chút nào. Thứ ba, tôi ý thức mình phải làm gì để đền đáp công ơn sinh
thành dưỡng dục mà mẹ đã làm vì yêu thương tôi”. Bấy giờ ông Tổng giám đốc liền
nói: “Anh đã đáp ứng đúng theo yêu cầu mà một giám đốc quản trị phải có. Tôi
muốn tuyển dụng một con người có lòng biết ơn các nhân viên dưới quyền, kiên
nhẫn chịu đựng thử thách để hoàn thành nhiệm vụ được trao, và nhất là phải làm
việc vì ích lợi của công ty hơn chỉ vì lợi ích riêng của mình. Tôi tuyên bố anh
được nhận làm giám đốc quản trị của công ty chúng tôi”.
Từ đó, trong cương vị
giám đốc quản trị của công ty, chàng thanh niên đã làm việc rất nhiệt tình và
hiệu quả. Anh được các nhân viên dưới quyền kính trọng và sẵn sàng hợp tác. Mọi
người đều làm việc vì ích chung của công ty, nhờ đó công ty ngày càng phát đạt
thăng tiến.
3. SUY NIỆM
Một số cha mẹ khi gặp
nhau thường hay than phiền về việc con cái thờ ơ với gia đình, thiếu lòng hiếu kính
và có khi còn tỏ ra “bất hiếu" với cha mẹ. Nhưng người lớn cũng cần phải xét
lại về trách nhiệm giáo dục con cái của mình. Vì lòng hiếu thảo của con cái không
phải là đức tính tự nhiên nhưng phải nhờ được giáo dục ngay từ bé mới hình
thành được. Sau đây là một số gợi ý giúp các bậc cha mẹ thực hành giáo dục lòng
hiếu thảo cho con cái:
1) Đứng
cưng chiều con thái quá: Ngày nay khi kinh tế gia đình thăng tiên thì việc cha mẹ lo
cho con cái có một cuộc sống no đủ sung túc là điều hợp lý. Chẳng hạn: cha hay
mẹ đưa đón con cái đến trường mỗi ngày, lo cho con ăn mặc và có tiền tiêu xài
để khỏi thua kém chúng bạn. Tuy nhiên nếu cha mẹ cho con mặc sức ăn chơi và
không đòi chúng cộng tác làm việc nhà thì cần phải xét lại. Vì sự cưng chiều, bao
bọc thái quá sẽ hình thành tâm lý ỷ nại, lười biếng và lạm dụng tình thương nơi
chúng. Nhiều cha mẹ vừa phải kiếm sống cho gia đình, lại vừa phải lo toan mọi
việc nhà, đang khi lẽ ra phải phân công cho con, tập cho chúng cộng tác theo lứa
tuổi và khả năng, để qua đó giáo dục chúng về lòng hiếu thảo và ý thức trách
nhiệm phải góp phần lo cho gia đình.
2) Hãy dạy
con hiếu thảo bằng các việc cụ thể: Lòng hiếu thảo cần được cha mẹ giúp hình thành
và phát triển dần dần bằng việc dạy dỗ bằng lời nói và bằng việc phân công phục
vụ gia đình cụ thể. Chẳng hạn khi con còn bé, cha mẹ phải dạy con biết nói
“cám ơn, xin lỗi”, biết “đi thưa về trình”, biết “mời cơm” ông bà cha mẹ, biết chào
hỏi vâng lời, biết năng nói câu: “Con yêu bố, yệu mẹ nhất trên đời”…. Khi chúng
sai lỗi cha mẹ phải uốn nắn sửa dạy vào khuôn phép. Khi con lớn khôn, cha mẹ phải
tập cho chúng ngòai việc học hành còn biết giúp cha mẹ làm các việc nhà như: quét
nhà, lau chùi bàn ghế. Sau bữa cơm, biết thu dọn chén đĩa từ bàn ăn xuống bồn
rửa và cùng rữa chén bát với anh chị em hay người giúp việc. Những việc làm trên
dần dần hình thành thói quen “nghĩ đến người khác” và sau này chúng sẽ biết chu
tòan bổn phận hiếu thảo với cha mẹ. Ngay cả khi nhà có mướn người đến giúp
việc, cha mẹ cũng đừng bắt người giúp việc phải làm mọi công việc xứng với đồng
lương phải trả, nhưng vẫn đòi con cái phải cộng tác để giáo dục lòng hiếu thảo
và giúp con hình thành nhân cách. Cha mẹ nên dạy con cái ý thức rằng: Bất kể gia
đình mình giàu có cỡ nào, thì một ngày nào đó cha mẹ cũng sẽ phải già yêu không
thể tiếp tục làm việc, và con cái sẽ phải thay thế lo cho gia đình. Dù con cái
chúng ta có thể làm việc nhà cách vụng về, nhưng cha mẹ vẫn phải đòi chúng hòan
thành công việc và sau đó sẽ giúp chúng khắc phục nhược điểm. Cha mẹ tránh làm
thay con và cần sửa dạy nếu chúng không hòan thành nhiệm vụ.
3) Hãy
giáo dục con cái bằng lời nói và bằng gương sáng: Một điều quan trọng là
cha mẹ phải nêu gương sáng qua cách ứng xử đối với ông bà nội ngọai. Nếu ông bà
ở xa thì năng gọi điện hỏi thăm sức khỏe, mau mắn đến giúp khi ông bà đau ốm
hay có việc cần nhờ cậy... Nếu ông bà sống chung nhà thì cha mẹ phải quan tâm giặt
giũ quần áo, cơm bưng nước rót, dọn giường ngủ, đối xử lễ phép. Đi xa về, cha
mẹ cần chào hỏi, biếu quà bánh cho ông bà trước, rồi mới đến lượt cho quà các
con cháu. Nếu ông bà mất sớm thì cha mẹ phải lập bàn kính nhớ ông bà và năng thắp
nén nhang trước di ảnh khi đọc kinh tối gia đình. Những lúc gia đình họp mặt vào
ngày giỗ tết, cha mẹ nên kể cho con cháu nghe về công ơn của ông bà đã vất và nuôi
dạy mình… Chính cách đối xữ hiếu thảo của cha mẹ đối với ông bà sẽ gây ấn tượng
sâu sắc trong tâm trí con cái và đến khi cha mẹ già yếu, chúng sẽ biết thể hiện
lòng hiếu thảo để đền đáp công ơn cha mẹ.
4) Sóng
trước vỗ đâu sóng sau vỗ đó: Ngày nay một số người lớn thường lơ là, lảng
tránh, so đo tính tóan, coi cha mẹ như một gánh nặng để đùn đẩy trách nhiệm chăm
sóc nuôi dưỡng cho nhau. Nên nhớ rằng "Sóng trước vỗ đâu, sóng sau vỗ đó”
là một quy luật tất yếu: Sau này khi lớn lên con cái cũng sẽ đối xử với cha mẹ theo
cách chúng thấy cha mẹ hôm nay đối xử với ông bà.
5) Hãy
cầu nguyện cho con cái: Ngay từ khi mang thai đứa con, bà mẹ đã phải năng cầu
nguyện cho đứa con thai nhi của mình được khỏe mạnh và sau này trở thành con
ngoan hiếu thảo. Trong việc giáo dục con cái, cha mẹ cần ý thức tầm quan trọng
của ơn Chúa giúp để năng nhớ cầu xin cho con mỗi ngày, nhất là khi phải uốn nắn
sửa dạy con. Nhờ đó chúng sẽ trở nên con ngoan trò giỏi, nên công dân tốt ngòai
xã hội và tông đồ giáo dân nhiệt thành làm chứng cho Chúa.
4. THẢO LUẬN: 1) Qua bài suy niem tren, bạn hãy tự kiểm về
cách giáo dục con cái trong gia đình bạn hiện nay ra sao ? Mang lại hiệu quả
thế nào ? 2) Trong tuần này bạn sẽ làm gì cụ thể để giáo dục con cái của bạn có
lòng hiếu thảo cách hữu hiệu nhất?
5. LỜI CẦU:
Lạy Chúa. Xin giúp các
bậc cha mẹ chúng con luôn biết phó thác cậy trông vào quyền năng của Chúa trong
việc nuôi dạy con cái. Xin cho chúng con năng cầu nguyện và nêu gương sáng cho
con cái qua cách ứng xử hiếu thảo với ông bà tổ tiên. Xin cho các bậc cha mẹ chúng
con biết áp dụng các phương pháp tâm lý sư phạm để giáo dục con cái chúng con ý
thức trách nhiệm phải lo cho gia đình, chu tòan bổn phận với các bậc bề trên
trong đạo ngòai đời, để nên con thảo của Chúa Cha noi gương Chúa Giê-su và nên chứng
nhân tình thương của Chúa trước mặt người đời.- A-MEN.
LM ĐAN VINH
0 nhận xét:
Đăng nhận xét