Núi
Sam nằm cách thị xã Châu Đốc (tỉnh An Giang) 5 km, là nơi có quần thể di
tích lịch sử văn hoá với chùa cổ Tây An, miếu Bà Chúa Xứ, chùa Hang,
lăng Thoại Ngọc Hầu...
Toàn
bộ khu miếu Bà Chúa Xứ là một quần thể kiến trúc cổ kính kết hợp với lối
kiến trúc hiện đại, nhưng vẫn mang màu sắc dân tộc, với bốn tầng mái
cao cong vút, các cánh cửa bằng gỗ được chạm trổ công phu: ghi lại hình
ảnh hoa lá cây cành, chim muông, long - lân – quy - phượng và các vị
tiên trong thần thoại cổ tích. Những đường nét văn hoa khắc họa tinh vi
và sinh động, cùng với một khoảng sân rộng trắng xi măng, hoa và cây cổ
thụ bao quanh đã phảng phất trong lòng người xem hình ảnh của một thời
đại xa xưa - thời tổ tiên ta cần cù khai hoang lập ấp chống chọi với thú
dữ, với thiên nhiên khắc nghiệt, biến những cánh đồng hoang vu thành
mảnh đất phì nhiêu, đầy sức sống.
Truyện
xưa kể lại rằng: Những năm 1820 – 1825, Quân Xiêm thường sang nước ta
quấy nhiễu, cướp bóc. Mỗi khi giặc đến, người dân quanh vùng lại phải
bồng bế nhau chốn chạy lên núi lánh nạn. Có lần quân giặc đuổi theo lên
đến đỉnh núi Lam thì gặp tượng Bà. Chúng hì hục cậy ra, lấy dây buộc lại
dùng đòn khiêng xuống núi để mang về xứ. Nhưng khi bọn chúng mới khiêng
đi được một đoạn đường ngắn, lạ thay tượng Bà bỗng dưng nặng trĩu không
thể nào nhấc lên được nữa. Khi đó, một tên trong bọn tức giận đập vào
cốt tượng làm gãy một phần cánh tay bên trái và ngay tức khắc hắn bị
trừng phạt hộc máu, chết tại chỗ, bọn cướp hoảng sợ kéo nhau bỏ chạy tán
loạn.
Thời
gian sau, Bà đạp đồng lên và tự xưng là Bà Chúa Xứ, dạy dân làng khiêng
xuống núi lập miếu thờ cúng. Bà sẽ phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa
màng bội thu, tránh được giặc cướp quấy phá, thoát khỏi dịch bệnh hoành
hành. Thấy vậy, dân làng họp nhau lên núi khiêng tượng về thờ cúng.
Nhưng lạ thay, dù mấy chục thanh niên trai tráng hò nhau gắng sức vẫn
không lay chuyến nổi tượng Bà. Trong lúc mọi người đang rất thất vọng,
có ý định bỏ dở thì một cô gái trong làng bỗng dưng lên đồng cho biết:
"Bà chỉ cần 9 cô gái đồng trinh lên khiêng". Dân làng làm theo lời dạy
ấy và qủa đúng thật 9 cô gái đồng trinh khiêng tượng Bà đi xuống một
cách nhẹ nhàng.
Bỗng
nhiên khi đi đến chân núi thì tượng Bà trở nên nặng, không thể khiêng
nổi thêm một bước nào nữa. Khi đó mọi người đã hiểu rằng, Bà đã chọn nơi
đây để an vị nên đã không cố gắng di chuyển đi nữa mà lập miếu thờ cúng
chỗ đó.
Trong lễ vía Bà được tiến hành theo các bước sau:
Lễ tắm Bà:
Lễ
này được tổ chức vào lúc 24 giờ đêm 23 rạng ngày 24. Nói là tắm bà,
nhưng thực tế là lau lại bụi bặm trên tượng thờ và thay áo mão cho Bà.
vào giờ đó, trong khuôn viên miếu, hàng chục ngàn người chen chúc nhau
trên sân, mọi di chuyển tới lui chỉ có thể nhích từng bước một.
Vào
23 giờ 30, ông chánh bái và Ban quản trị lăng miếu cùng các vị bô lão
địa phương có mặt ở chánh điện. các du khách dâng cúng áo mão cho tượng
Bà có vinh dự được đứng trong khu vực Chánh điện để chứng kiến.
Đúng 0
giờ ngày 24, lễ tắm Bà được chính thức cử hành. Nghi thức đầu tiên là
thắp sáng hai cây đèn cầy to trước tượng Bà. Ông chánh bái và hai vị bô
lão niệm hương, dâng rượu, trà, kế đến là Ban quản trị lần lượt niệm
hương cầu nguyện, lễ tất. Bức màn vải có viền ren thêu chữ, hoa nhiều
màu sặc sỡ được kéo ngang bệ thờ, che khuất khu vực đặt tượng. Một nhóm
từ 4- 5 phục nữ đã được chọn lựa, phân công từ trước vén màn bước vào
trong chuẩn bị tắm Bà. Đầu tiên là cởi mão, khăn đội trên tượng, rồi lần
lượt đến đai áo, áo ngoài, áo trong, để lộ toàn thân pho tượng bằng đá
sa thạch ở tư thế ngồi. Dưới chân tượng Bà được đặt một chậu nước nhỏ
đựng nước hoa xông lên thơm ngát, hàng chục chiếc khăn được nhúng vào
chậu, vắt khô rồi lau lên cốt tượng. Số lượng khăn bông du khách đem đến
có hàng trăm, nên để làm vừa lòng mọi người, tổ phục vụ cứ chốc lát lại
thay khăn mới, cố sử dụng số khăn được đưa vào. Sau đó một mâm đầy lọ
nước hoa loại đắt tiền được dâng lên, mỗi lọ đều được xịt một ít vào
tượng cốt, xong trả lại cho chủ. Người dâng cúng kính cẩn mang về nhà
xem như một vật gia bảo. Kế đến, một bộ áo đẹp nhất dâng cúng trong kỳ
lễ hội được khoác lên tượng, thắt dây đai áo rộng và các bộ phận khác,
cuối cùng đội mão lên tượng.
Lễ
tắm Bà xong, bức màn được kéo qua một bên, mọi người chen nhau đến gần
để chiêm ngưỡng, khấn vái, ai cũng cố đến sát bên bệ thờ để xin lộc bà.
Lộc bà bây giờ chỉ là một vài cành hoa, một vài trái cây để trên bàn,
chứ không như trước đây có người sử dụng nước tắm Bà xem như nước thánh
để chữa bệnh, hay uống vào để được mạnh giỏi, không bị tà ma quấy nhiễu.
Hủ tục này ngày nay không còn nữa.
Lễ tắm Bà thường kéo dài khoảng một giờ, sau đó mọi người được tự do lễ bái.
Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà:
Lễ
này được tiến hành vào lúc 15 giờ ngày 24. Tại miếu bà, các bô lão trong
làng và Ban quản trị lăng miếu lễ phục chỉnh tề sang lăng Thoại Ngọc
Hầu nằm đối diện với miếu bà qua một con đường thỉnh sắc. Đoàn thỉnh sắc
có đội múa lân của Miếu bà đi trước, kế đến là ông chánh bái, hai vị bô
lão và những vị chức sắc khác, theo sau là các học trò lễ xếp thành hai
hàng dọc, tay cầm cờ phướn đi hầu trước và sau long đình do bốn người
khiêng. Đến trước điện thờ Thoại Ngọc Hầu, mọi người dâng hoa, niệm
hương tế lễ. Sau phần nghi thức, đoàn thỉnh bốn sắc (bài vị) lên long
đình về miếu. Bốn bài vị đó là: Bài vị của Ngọc Hầu Nguyễn văn Thoại,
bên trái là bài vị bà nhị phẩm Trương Thị Miệt, cuối cùng là bài vị Hội
đồng. Khi vào đến Miếu Bà, các bài vị trên được an vị ngôi chính điện,
Ban quản trị dâng hương thỉnh an, lễ thỉnh sắc được kết thúc.
Lễ Túc Yết:
Lễ
được tổ chức 0 giờ ngày 25 rạng ngày 26. Tất cả các bô lão trong làng và
Ban quản trị lăng miếu lễ phục chỉnh tề, đứng xếp hàng hai bên trước
tượng Bà. Phía sau các vị là bốn học trò lễ và bốn đào thầy. đứng chính
diện với tượng bà là ông chánh bái. Vật cúng gồm có: một con heo trắng
(đã được cạo lông mổ bụng sạch sẽ, chưa nấu chín), một đĩa đựng huyết có
ít lông heo gọi chung là "mao huyết", một mâm xôi, một mâm trái cây,
một mâm trầu cau, một đĩa gạo muối. các lễ vật được bày trên bàn trước
tượng bà.
Vào
lễ cúng, ông chánh bái và các vị bô lão đến niệm hương trước bàn thờ. Kế
đến là phần "Khởi cổ". Sau khi đánh ba hồi trống gỗ và ba hồi chiêng
trống, nhạc lễ bắt đầu trỗi lên là lễ dâng hương, chúc tửu, hiến trà.
Từng diễn biến của buổi lễ được hai người xướng lễ, một xướng nội, một
xướng ngoại - xướng to lên. Ông chánh bái đi trước, bốn học trò lễ và
bốn đào thầy đi theo, hướng về phía bàn thờ tổ. Tại đây ông chánh bái tự
rót rượu để học trò lễ đem lên dâng cúng.
Sau
khi dâng cúng hoa là dâng ba lần rượu gọi là chúc tửu, dâng ba lần trà
gọi là hiến trà, theo lệnh của người xướng lễ, bản văn tế được mang đến
trước bàn thờ. Một người trong Ban quản trị lăng miếu đọc văn tế. Dứt
bài văn tế, ông chánh bái đốt văn bản này và một ít giấy vàng bạc, heo
cúng trên bàn được lật ngửa ra trước khi khiêng đi, phần cúng túc yết đã
xong.
Lễ xây chầu
Sau cúng túc yết là Lễ xây chầu. Để chuẩn bị cho lễ này, người ta khiêng bàn tổ ra ngoài và thay vào đó một cái trống chầu.
Vào
lễ người xướng nội hô to "ca công tựu vị", ông chánh bái ca công liền
bước tơ ái bàn thờ đặt giữa võ ca, hai tay cầm dùi trống nâng ngang trán
khấn vái. Phía bên trái bàn thờ có một tô nước và một nhành dương liễu.
Ông chánh bái ca công cầm nhành dương nhúng vào tô nước rồi vảy nước ra
xung quanh, vừa đọc to những lời cầu nguyện:
"Nhất xái thiên thanh" - Trời luôn thanh bình
"Nhị xái địa linh" - Đất thêm tươi tốt
"Tam xái nhơn trường" - Người sống muôn tuổi
"Tứ xái quỷ diệt hình" - Quỷ dữ bị tiêu diệt.
Đọc
xong, ông chánh bái ca công đặt tô nước, cành dương trở lại bàn thờ, ông
đánh ba hồi trống và xướng "ca công tiếp giá", lập tức đoàn hát bộ nổi
chiêng trống rộ lên và chương trình hát bộ bắt đầu. Các tuồng hát bộ sau
đây thường được diễn tại miếu bà: Trần Bình Trọng, Sát Thát, Lưu Kim
Đính, Trưng Nữ Vương v.v...
Lễ Chánh tế
Đến 4
giờ sáng ngày 26 cúng Chánh tế (nghi thức giống như cúng "túc yết").
Chiều ngày 27 đưa sắc Thoại Ngọc hầu về Sơn Lăng. Chương trình hát bộ
chấm dứt. Kết thúc cúng vía Bà.
Song
song với cuộc lễ chính ở Miếu bà Chúa Xứ, các hoạt động văn hoá nghệ
thuật dân gian được biểu diễn như múa lân, múa mâm thao, múa đĩa
chén...thu hút nhiều du khách.
Xưa,
bên cạnh các hoạt động chính xung quanh Miếu Bà có biết bao tập tục như:
xin xâm, bói toán, đồng bóng...được diễn ra rất nhiều, liên tục trong
những ngày này. Sau ngày miền Nam giải phóng, được sự chỉ đạo của ngành
văn hoá và Ban quản trị, nhân dân xã Vĩnh tế đã biến ngày Vía bà thành
ngày hội truyền thống. nhiều tập tục xấu được ngăn chặn. Thay vào đó là
các hoạt động văn hoá lành mạnh, truyền thống và sôi nổi hơn.
Miếu
Bà chúa Xứ là một trong những danh thắng của núi Lam được nhà nước xếp
hạng. Nơi đây đã mang dấu ấn của cả một thời đại hào hùng, thời đại
chống giặc ngoại xâm. Và ngay nay miếu Bà Chúa Xứ vẫn thật sự là điểm
đến của du khách bốn phương, là nơi mà con người cầu mong về những điều
thiêng liêng, tốt đẹp nhất.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét