Thôn
Châm Khê, xưa kia có tên chữ Bùi Xá, tên nôm làng Bùi, vốn là một làng
Việt cổ nằm bên bờ nam sông Ngũ Huyện Khê (nay thuộc xã Phong Khê, huyện
Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) từng nổi tiếng với ngôi đình cổ kính hàng
trăm năm tuổi và lễ hội “tắm phỗng”.
Đình
Châm Khê toạ trên một khu đất cao, rộng, ngay cạnh và hướng mặt ra sông
Ngũ Huyện Khê. Đình được khởi dựng từ lâu đời, đến thời Lê Trung Hưng
được tu dựng với quy mô lớn, sang thời Nguyễn (Năm Tự Đức thứ 5-1852)
lại được trùng tu. Dấu ấn trên kiến trúc từ đó đến nay vẫn giữ được khá
nguyên vẹn. Đó là tòa Đại đình hình chữ đinh gồm: 5 gian Tiền tế, 3 gian
Hậu cung, bộ khung gỗ lim to khoẻ, vững chắc; toà Tiền tế bốn mái to
rộng, các góc đao cong vút tạo vẻ uyển chuyển, duyên dáng. Cũng tại toà
Tiền tế tập trung các mảng chạm khắc hoa lá cách điệu trên cống, con
rường, bẩy... khá công phu.
Cùng
với giá trị kiến trúc điêu khắc, đình Châm Khê còn nổi tiếng với lễ hội
truyền thống vào mồng 4 tháng 8 (âm lịch) hàng năm với nhiều tục trò,
đặc biệt là tục “tắm phỗng” và hát Quan họ giao lưu, còn để lại câu ca:
“... Mồng một tắm phỗng
Mồng hai phỗng khô
Mồng ba phong cờ
Mồng bốn nhập tịch...”.
Theo
tục lệ, vào những ngày đình đám thì ngay từ mồng một, làng Châm Khê đã
tổ chức “rước nước” để thờ và “tắm phỗng”. Theo thần phả, sắc phong đình
Châm Khê thờ Thánh Tam Giang (Trương Hống, Trương Hát) là những danh
tướng của Triệu Quang Phục có công đánh giặc Lương vào thế kỷ thứ VI.
Nhưng khác với nhiều làng khác thờ Thánh Tam Giang, ở Châm Khê có tới
hai ngôi nghè được dựng ở trên bãi soi (dân gọi bãi Sấm) giữa dòng sông
để thờ và mỗi khi đình đám hội hè sẽ rước về hội sở tại đình làng để tế
lễ và mở hội. Để rước nước và tắm phỗng, làng cử ra đội rước gồm: một
ông Bồi trưởng và bốn thanh niên trai tráng khoẻ mạnh, chưa vợ, gia đình
yên ấm. Ông Bồi trưởng mặc quần áo đỏ, tay cầm trống khẩu điều khiển
đám rước. Còn bốn thanh niên rước kiệu cũng mặc quần áo, thắt lưng, khăn
chít đầu đỏ. Buổi sáng mồng 1, đám rước nước từ giếng cổ trước cửa nghè
trên bãi Sấm, mang vào đình để thờ Thành hoàng. Tiếp đó rước phỗng từ
trong đình ra bãi Sấm để tắm phỗng, sau lại rước vào đình để thờ. Hai
tượng phỗng có dáng “phỗng Chàm”: cao khoảng 0,70m, mặt gồ ghề, cởi trần
đóng khố, hai tay giơ ngang ngực, đầu có hai búi tóc xoắn ốc hai bên,
luôn được thờ trên hương án ngoài Tiền tế. Việc thờ phụng phỗng Chàm có ở
một số di tích ở Bắc Ninh như đình Diềm, đình Hồi Quan, Đền Đô...; song
việc rước và tắm phỗng thì hẳn chỉ có ở đình Châm Khê. ẩn sâu của tín
ngưỡng này là “thờ Nước” của cư dân Việt cổ làm nông nghiệp, mà làng
Châm Khê là một điển hình.
Sáng
ngày mồng 4 là chính hội, dân làng tổ chức rước sắc phong của Thánh từ
hai nghè trong và ngoài về đình để tế lễ và mở hội. Sau khi sắc phong
được rước vào đình, quan đám và các giáp lần lượt vào lễ. Sau phần lễ là
phần hội hát Quan họ giao lưu bằng thuyền trên sông. Tham gia vào hát
Quan họ, không những có các bọn Quan họ nam và nữ của làng Châm Khê và
các làng chạ, mà còn rất nhiều các làng Quan họ khác trong vùng. Các
thuyền Quan họ nam và nữ từng cặp một, bơi quanh bãi soi để hát đối đáp
giao duyên. Những liền anh, liền chị bồng bềnh trên những chiếc thuyền
rồng, hát nhiều làn điệu và lời ca ngọt ngào, tha thiết. Cứ thế cho đến
khi chiều tà trăng lên mới thôi. Hai bên bờ sông, dân làng và khách thập
phương xem đông nghịt.
Đình
Châm Khê với lễ hội truyền thống có các tục cổ như tắm phỗng, phong cờ,
rước nước, hát Quan họ, phản ánh bề dày lịch sử, văn hoá của làng quê
này, góp phần làm nên văn hiến xứ Kinh Bắc - Bắc Ninh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét