VATICAN. Trưa Chúa Nhật 22.6 Nhân ngày Chúa Nhật Kính Mình và Máu Thánh Chúa hôm nay, Đức Thánh Cha đã chia sẻ với mọi người về giá trí quý báu của Mình Máu Thánh Chúa, và ý nghĩa của việc bẻ bánh đời mình ra cho mọi người.
Khởi đầu bài chia sẻ, ngài nói:
“Xin chào anh chị em,
Vào Chúa Nhật hôm nay, Ý và nhiều
nước khác mừng lễ Mình và Máu Thánh Đức Kitô, trong tiếng Latinh gọi là
Corpus Domini hay Corpus Christi. Cộng đoàn giáo hội quy tụ lại quanh Thánh Thể để thờ phượng gia sản quý báu nhất mà Đức Giêsu đã để lại cho mình.
Tin Mừng Gioan đã trình bày diễn từ
của Đức Giêsu về “bánh hằng sống” trong Hội đường Caphacnaum, trong đó,
Ngài nói:” Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được
sống muôn đời và bánh ta ban chính là thịt ta để cho thế gian được sống”
(Ga 6,51). Đức Giêsu đã nhấn mạnh rằng Ngài không đến trái đất này để
trao ban điều gì khác, nhưng là trao ban chính Ngài, sự sống của Ngài,
như của ăn bồi dưỡng cho những ai có lòng tin vào Ngài. Sự hiệp thông
này của chúng ta với Chúa thúc bách chúng ta, những môn đệ của Ngài, hãy
noi gương Ngài, biến sự hiện hữu của chúng ta, qua thái độ sống của
chúng ta, thành tấm bánh bẻ ra cho người khác, như chính Thầy đã bẻ bánh
là chính thịt mình vậy. Về phần chúng ta, chính cách hành xử quảng đại
dành cho người thân cận sẽ chiếu tỏa thái độ bẻ đời mình ra cho người
khác.”
Ngài nói thêm rằng nhờ rước Mình và Máu
Thánh Chúa Kitô mà đời sống của chúng ta được biến đổi. Ta sẽ có khả
năng yêu một cách vô hạn như Thiên Chúa, Đấng không có giới hạn trong
tình yêu. Ngài nói:
“Mỗi khi chúng ta tham dự Thánh Lễ và
được Mình Chúa Kitô nuôi dưỡng, sự hiện diện của Đức Giêsu và của Thánh
Thần hoạt động trong chúng ta, khuôn đúc con tim chúng ta, thông truyền
cho chúng ta những thái độ nội tâm, biến chuyển thành cung cách hành xử
theo Tin Mừng. Trên hết, thái độ ngoan ngoãn với Lời Chúa, sau đó là
tình huynh đệ giữa chúng ta, sự can đảm của chứng tá Kitô hữu, sự kỳ
diệu của đức ái, khả năng trao ban hy vọng cho những ai đang mất đi niềm
tin, khả năng đón tiếp những ai bị loại trừ. Theo đó, Thánh Thể làm cho
lối sống Kitô hữu được trưởng thành hơn. Bác ái của Đức Kitô, nếu được
đón nhận với con tim rộng mở, sẽ thay đổi chúng ta, biến đổi chúng ta,
trao ban cho chúng ta khả năng yêu thương không theo mức đo lường của
con người vốn luôn có hạn, nhưng theo thước đo của Thiên Chúa. Mà thước
đo của Thiên Chúa thì đến mức nào?
Không có giới hạn! Thước đo của Thiên
Chúa là không có giới hạn. Tất cả! Tất cả! Tất cả! Không ai có thể đo
lường được tình yêu của Thiên Chúa: vì tình yêu ấy là vô hạn! Chúng ta
trở nên có khả năng yêu cả những người không yêu chúng ta: điều này
không dễ tí nào, phải không? Yêu người không yêu chúng ta… Chẳng dễ tí
nào! Bởi vì nếu chúng ta biết rằng một người không yêu chúng ta, chúng
ta cũng sẽ chẳng yêu người ấy! Đúng không! Chúng ta phải yêu cả những ai
không yêu chúng ta! Chúng ta hãy chống lại điều xấu bằng điều lành,
bằng sự tha thứ, sẻ chia và đón nhận. Nhờ Đức Giêsu và Thánh Thần của
Người, đời sống của chúng ta cũng phải trở nên “tấm bánh bẻ ra” cho anh
chị em chúng ta. Sống như thế, chúng ta sẽ khám phá ra niềm vui đích
thật! Niềm vui khi biến mình thành món quà để đổi lại món quà to lớn hơn
mà chúng ta đã lãnh nhận trước, không phải bởi công trạng của chúng ta.
Điều này thật tuyệt vời phải không: đời sống của chúng ta trở thành món
quà! Noi gương Đức Giêsu. Tôi muốn nhắc nhớ hai điều này. Thứ nhất,
giới hạn của tình yêu Thiên Chúa là yêu không giới hạn. Điều này có rõ
không? Cuộc sống của chúng ta, với tình yêu của Giêsu, nhận được từ
Thánh Thể, tự biến thành món quà. Giống như cuộc sống của Giêsu vậy.
Đừng quên hai điều này: giới hạn tình yêu của Thiên Chúa và yêu không
giới hạn. Bước theo Đức Giêsu, chúng ta – với Thánh Thể – biến cuộc sống
của chúng ta thành một món quà.”
Sau cùng, ngài mời gọi mọi người hãy hướng lòng về Mẹ Maria để xin Mẹ giúp mình biết yêu quý Đức Giêsu như Mẹ:
“Đức Giêsu, tấm bánh sự sống đời đời
đã từ trời hạ giới và đã làm người nhờ đức tin của Đức Maria Cực Thánh.
Sau khi đã cưu mang Người trong mình với một tình yêu khôn xiết, Mẹ đã
theo Người một cách trung tín đến tận thập giá và sự phục sinh. Chúng ta
hãy cầu xin mẹ giúp chúng ta tái khám phá nét đẹp của Thánh Thể, và
biến Thánh Thể trở thành trung tâm của đời sống chúng ta, đặc biệt nơi
Thánh Lễ Chúa Nhật và Chầu Mình Thánh Chúa.”
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét